Sunday, 27 July 2014

chương 02



chương 02
    
  宿 
    




      
    
   使 使
  

宿




  

Tôi đã từ giã Hải Vân tự, và bây giờ cư lưu tại một căn nhà ở chốn hoang  thôn tĩnh mịch. Ngoài việc chăm lo phụng thừa nhu cầu sư trưởng, hằng ngày tôi lãng phí thời gian trong những trận nhớ nhung xa vắng, nửa tỉnh nửa mê, thần hồn theo nước mắt mà tràn ra không ngớt (1). Sư trưởng của tôi, nhận thấy tôi tuổi nhỏ, rủ lòng thương xót; lựa lời phương tiện, từ ái khuyên lơn. Nhưng tôi không làm sao nguôi được. Tôi quả thật là đứa khổ sở nhất trần gian. 
Một ngày nọ, tôi tuân mệnh sư trưởng, xuống thôn làng khất mễ (xin gạo), được hơn mười cân, lẽo đẽo mang đi dọc đường. Đang suy nghĩ tìm chốn trọ lại ban đêm, chợt có kẻ trộm cướp từ xa tới, chộp cái túi vải đựng gạo và chạy mất. Tôi chỉ đành than dài một tiếng. 
Lúc bấy giờ trời nhá nhem tối. Tôi một mình bước đi vất vơ vất vưởng. Lại lạc lối thế nào ra tận bãi biển, và không tìm được đường về. Tôi bồi hồi quanh quẩn khá lâu, tới một cồn cát nọ, ngồi nghỉ chân giây lát. Sóng biển bỗng nổi dậy thật hãi hùng, nhìn bốn bề chỉ thấy âm u dằng dặc.
Đương giữa lúc hoang mang như thế, chợt thấy một đốm lửa li ti ở ngoài khơi lập lòe như một hạt đậu. Biết rằng đó là ngọn đèn của một chiếc thuyền đánh cá, bèn cất tiếng gọi:
— Xin ông chài ghé vào đây, cho tôi sang bờ bên kia với. 

Sau tiếng gọi , thấy đốm lửa lớn ra dần dần, tôi biết rằng ông chái cá đã đáp ứng, và đang tiến lại gần. Lòng tôi cũng cảm thấy an ủi đặc biệt. Chẳng bao lâu, chiếc ghe đã cập bến. Ông chài cất tiếng hỏi:
— Muốn đi tới đâu?
Tôi đáp:
— Tôi chỉ là một nhà sư tại Ba La thôn đi khất thực suốt ngày, lạc lối ra đây. Mong nhờ ông giúp tôi một phen vậy.

Ông chài đưa tay khoác lia lịa mà rằng:
— Úi chà! Ăn nói gì như thế! Thật là bất thông! Ghe của người ta là cốt đi đánh cá kiếm lời, có đâu lại phí công phí của mà chở giùm những nhà sư nghèo đói!
Nói xong quay quả chèo ghe đi tuốt. 

Tôi chẳng còn biết nghĩ gì ra gì được nữa, phiền muộn ngồi khóc một mình. Chợt vẳng nghe một tiếng chó sủa ở xa xa. Tôi biết thế là quanh quất vùng này còn có thôn làng thang lan (2) đâu đó. Bèn đứng dậy, men lối theo đường cỏ mọc mà đi. Dần dà thấy hiện ra ở tiền diện một ngôi cổ miếu. Tôi vội vã tiến lên. Giữa ngôi cổ miếu, có treo một chiếc đèn leo lét (3). Tôi bước vào. Luẩn quẩn một lúc, nằm xuống bên bậc đá, khoanh thân lại nghỉ. Chợt nghe tiếng chân đi bên ngoài cửa miếu. Tôi sửa lại áo quần ngay ngắn, đứng lên, thì thấy một đứa bé lăng xăng vội vã bước vào.
Tôi hỏi:
— Em bé đi đâu đó?
Chú bé hai tay cầm mấy cái giỏ tre đưa ra mà rằng:
— Công việc của cháu nhọc nhằn lắm. Đêm đã khuya thế này, cháu vẫn phải len lỏi bên những tường xiêu vách nát, hoặc lọ mọ giữa những hang đá âm u, hoa cỏ um tùm, trông cháu giống một tên ăn trộm vậy, cốt để bắt lấy những con dế kêu ri rỉ này đây. Thật là khổ nhọc lắm.
— Trông em bé mặt mày tuấn tú sao phải đi làm cái việc hèn mọn thế? 

Đứa bé than một tiếng đáp rằng:
— Gia đình cháu vốn có một vườn hoa. Ban ngày cháu gánh hoa đem bán cho nhà giàu có. Người giàu keo kiệt quá, nên chẳng kiếm được bao lăm tiền; chẳng đủ để nuôi dưỡng mẹ. Mẹ cháu già nua lắm rồi. Cháu là đứa con trai, có lẽ nào không tận tâm kiệt sức làm việc mà giúp đỡ mẹ trong tuổi già. Công việc bắt dế này thật là cực nhọc, nhưng phải gắng làm phụ thêm, kiếm thêm được đồng nào, hay đồng ấy. Nhưng mẹ cháu quả thật chẳng có ngờ rằng cháu làm việc này. Nếu biết, ắt bà không cho làm. Bà sẽ ngăn trở. Hôm trước, cháu có thấy bên góc miếu này một con dế bự, cỡi trên lưng một con rết ngất ngưởng bò đi. Cháu tới đây rình mò đã hai đêm, mà chưa chộp được nó. Nếu ông trời xanh run rủi cho nó lọt vào được trong tay cháu, thì thật là vạn hạnh! Vạn phúc! Chờ tới ngày chợ phiên, cháu đem ra bán, ắt được giá cao lắm. Thì cháu sẽ mua cho mẹ một tấm áo da cừu, mùa đông mặc vào thì ấm áp cũng như ở giữa mùa xuân vậy. Còn gì thích cho bằng. Cháu đâu phải như những kẻ ham kiếm tiền, bất kể tính mệnh xông pha đêm hôm thế này đâu! 

Nghe đứa bé nói thế, tôi lại bồi hồi xúc động, nước mắt lại tuôn ra.
Đứa bé nhìn tôi, thấy đầu tôi cạo trọc, thì nó chậm rãi hỏi tiếp:
— Dạ dám xin hỏi đại sư vì lẽ chi mà ngủ đêm tại chốn hoang liêu trống trải này? 

Nhìn thấy đứa bé mặt mày chân thành trang trọng, tôi bèn đem hết đầu đuôi cơ sự kể cho nó nghe.
Đứa bé cảm động nói:
— Thầy chịu khổ nhiều thật! Nhà cháu ở gần đây còn phòng bỏ không. Cháu xin mời thầy theo cháu về nhà. Nếu thầy cứ ở đây, thì biết đâu bọn người hung ác trong thôn vắng lại chẳng vu cáo cho thầy cái tội trộm cắp, thì thầy chịu đựng sao nổi! 

Thấy đứa bé thành khẩn như vậy, tôi gật đầu, đồng ý theo chân nó. Vào làng, đi tới một căn nhà lá. Đứa bé đẩy cửa bước vào, rồi khép ngay lại, để tôi đứng chờ ở dưới hiên. Vườn hoa bốn bề đưa hương thơm. Chợt nghe tiếng bà lão thốt:
— Triều Nhi! Hôm nay sao con về khuya thế? 

Tôi lắng nghe chăm chú. Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay! Giọng nói của bà lão ấy.
Lúc tôi bước vào nhà trong, thì bỗng dưng thấy trước mặt mình đích thị là người vú nuôi tôi ngày trước.

<<   >>








No comments:

Post a Comment