Thursday 12 February 2015

chương 25



chương 25
 



  


  


  


  


  



  

  

  退









  



  
Tôi lau nước mắt đáp ông Mạch mà rằng:
— Cháu cảm tạ tấm lòng bác chiếu cố. Lòng cháu bàng hoàng còn biết lấy chi báo đáp. Nhiên nhi, trong chùa còn chú Tương Tăng, pháp danh là Pháp Nhẫn, vốn là bạn chí thiết của cháu, cùng nhau sống đã lâu ngày, cháu chẳng nỡ nào chia tay với người bạn ấy. Sau này, cháu sẽ mong được nhiều dịp tới viếng bác để nghe bày vẽ được nhiều, xin bác vui lòng cho như thế.
Ông Mạch suy nghĩ chút ít, rồi hòa ái bảo rằng:
— Như vậy cũng tốt lắm! Bác chỉ lo sợ rằng đời sống khắc khổ trong chùa cháu chịu đựng không kham.
Tôi đáp mà rằng :
— Dạ không có chi như thế. Chư tăng trong chùa đối đãi với cháu rất tốt. Ghi chú: Đoạn sau đây Bùi Giáng viết thêm, với những tên người thật: Chơn Pháp, Tuệ Sỹ, Trí Hải, Phùng Khánh, Minh Châu:  {Ngoài Pháp Nhẫn ra, lại còn Chơn Pháp, Tuệ Sỹ Pháp, Trí Hải ni cô, Phùng Pháp ni cô, Khánh Pháp ni cô, toàn nhiên là những vị từ bi độ lượng khả dĩ mai sau dắt dẫn cháu cập bờ đáo bỉ ngạn ba la mật kim cương. Ngoài ra lại còn Minh Châu phương trượng vốn xưa kia là…
— Là sao?
— Là thường hằng có làm thơ ngâm vịnh với song hồn thiên hạ thi sỹ trung niên.
— À, té ra là như thế. Vạn hạnh, ức phúc vậy thay!
}
Gladness shone upon Mr. Mei’s face. He led me to my seat at the table. I noticed that there was a complete spread of Chekiang delicacies on the table. Yet my heart carried so many sorrows that, for the moment, all dishes tasted alike; it seemed as if I were merely chewing wax. (GKL page 127) (1)
Ông Mạch hân hoan, hỷ hình ư sắc. Nắm lấy tay tôi dẫn vào nhập tiệc. Trên bàn có đầy đủ đông đảo tràn lan những món ăn Chiết Giang Hà Nam Hà Bắc. Nhưng lòng tôi đầy dẫy những ưu lự khôn hàn, gắp món nào cũng như món nấy, cũng thể như ăn sáp nhạt mà thôi.
Ăn xong, tôi sơ lược kể lại chuyến đi Nhật Bản tìm mẹ. Gia đình ông Mạch thảy đều cảm động vô cùng.
Con gái ông Mạch và Mạch phu nhơn đều đồng than bảo rằng té ra như thế thì lòng trời cũng đã sẵn sàng có an bài ôn tồn thỏa đáng cho liên tồn thế sự nhân gian, và hết lời khuyên tôi hãy gắng mà nguôi quên những cái cơn sầu muộn ủ ê đi. Trời nắng rồi trời mưa rồi trời tạnh cũng như dâu biển chiến tranh hòa bình rất mực vậy đó mà. Tôi lại cảm động một cơn và vùng khóc thêm một phen nữa.
Tới lúc cáo biệt lâm hành, Mạch phu nhân đem ra cho tôi một trăm đồng vàng dặn bảo mà rằng:
— Cháu đừng từ chối, hãy nhận lấy mà tiêu dùng lúc cần cấp.
Tôi khước từ mà rằng:
— Cháu tự lúc khởi hành từ Đậu Tử, đã có dành dụm hai trăm, tới nay vẫn còn giữ được phân nửa, nằm vuông tròn ở trong túi áo cà sa phơ phất ôn tồn. Ân đức kia của hai bác, cháu xin tâm lĩnh vậy. Và kính tạ phu nhân nửa phần thơ mộng nửa phần đăm chiêu.
Phu Nhân cả cười mà rằng:
— Thơ mộng cái chi? Đăm chiêu cái chi?
Tôi cũng cười theo một tiếng.
Về tới chùa. Vài ngày sau, hai anh em Mạch cùng tới viếng chùa Linh Ẩn (Secluded Soul Monastery). Gặp tôi trò chuyện tại Lãnh Tuyền Đình (Chilly Spring Pavilion). Tôi nhân lúc hàn huyên vui vẻ, mà xen lời ngẫu nhĩ hỏi thăm về tin tức Tuyết Mai:
— Chẳng biết cảnh huống gần đây của Tuyết Mai ra như thế nào?
Ban đầu anh em Mạch thị có vẻ ấp úng che giấu, ngôn ngữ mơ hồ.
Tôi không nghe ra đầu dây mối nhợ rõ. Liền nêu trở lại câu hỏi lần nữa... Rồi hỏi tới lần thứ ba…
Thì cô gái hơi nhíu hàng lông mày là rằng:
— Nếu như sự tình là ngọc nát hương tan thì anh nghĩ sao?
Nghe nàng nói thế như sét đánh ngang tai. Cơ hồ tôi suýt ngã gục chết ngất. Trấn định thần hồn không được, tôi run lên từ đầu tóc tới ngón chân, thu tay đấm vào ngực mình mà hét.
— Có thật như thế chăng?
Người anh cô Mạch liền nắm lấy cánh tay tôi mà rằng:
— Em nó nói bậy bạ bừa bãi! Đâu có hề xảy ra chuyện đó… Sự thật là… là…
Nói tới đó, ngập ngừng, chuyển sang điệu an ủi:
— Anh Tam Lang thân mến ạ, anh hãy bảo trọng thân thể. Em gái nó nói câu ấy chẳng có chi xác thực hết cả. Sự thật là chúng tôi có nghe người ta đồn rằng cô Tuyết Mai vướng bệnh tơ tưởng gì đó, rồi đau ốm có phần kịch liệt thế thôi. Dù sao, thì Trời Xanh cũng che chở những người hiền hậu đàng hoàng như cô ấy. Cô cũng như Kim Cương nương tử. Có lẽ nào mệnh vận hẩm hiu cho được. Anh Tam Lang chớ nên lo sợ mà tổn hại thân thể máu me.
Tôi cố gắng trấn tĩnh. Ngày đó, anh em Mạch lại mời tôi cùng về nhà anh chơi.
Qua ngày hôm sau, buổi sáng tôi thơ thẩn ra dạo vườn phía sau nhà, chợt thấy cô em Mạch đang đứng đăm chiêu trên chiếc cầu gỗ, tay vịn nhịp cầu mà hai con mắt ngó xa xôi.
Thấy tôi đi tới, thì hai má lúm đồng tiền của nàng bỗng nhiên ửng đỏ phất phơ. Ý dường như là không nỡ đem tin tức giai nhân kia mà nói ra cho rõ. Tôi sắp quày thân đi nơi khác, cô gái bỗng đưa mắt nhìn qua một cái, cất giọng mà rằng;
— Tam Lang có vui lòng cho phép em dẫn anh đi dạo vườn một chặp?
Tôi nghiêng thân cung kính ôn tồn, trang nhiên cảm tạ mà rằng:
— Há dám làm phiền gót ngọc? Kính hỏi hiền muội một lời: Tuyết Mai thật ra có còn sống tại nhân gian chăng? Hiền muội có thể nói rõ hết đầu đuôi cho nghe?
Cô gái riu ríu giọng vàng thở dài một cái, lắc đầu mà rằng:
— Ngạn ngữ có câu: “Tâm can mẹ ghẻ, một mẻ tam bành…” Há chẳng là sự thường tình? Ngày trước ở quê nhà, em có nghe người ta nói rằng người mẹ ghẻ kia bức bách chị Tuyết Mai phải làm dâu một nhà giàu có nào đó. Trong cái đêm trước ngày về nhà chồng, chị Mai đã lìa đời, sau bao nhiêu ngày ốm đau hao mòn nhịn đói. Chẳng biết ông Trời Xanh, ông Phật đỏ ở đâu, mà chẳng thấy thấp thoáng về cứu giúp. Người trong làng ai ai cũng thương tiếc chị Tuyết Mai, mà chẳng có ai chịu phục ông Trời Xanh tài hoa gì hết cả. Còn em nghĩ tới mà ngán ngẩm chán phèo cho trời tròn đất méo, nhân gian đen đủi hoen hoen, rốt cuộc xô bồ ra như thế.
Nghe rõ tin tức đau đớn ấy, tôi than khóc thất thanh lạc thể ly hồn. Cấp tốc quay về chùa, cùng Pháp Nhẫn bàn bạc, cùng nhau khăn gói vội vã quay về Lĩnh Nam Lam Hải, mong tìm tới mộ Tuyết Mai mà phúng điếu an ủi cái vong hồn.
Chiều xế ngày hôm sau, gia đình ông Mạch cùng tiễn chân tôi tới Củng Thần Kiều. Gạt lệ chia tay.
















No comments:

Post a Comment